GIỚI THIỆU TỔNG QUAN CHỦ ĐỀ HOA THIÊNG 2023
của Cha Bề trên cả Ángel Fernández Artime, SDB
NHƯ NẮM MEN TRONG GIA ĐÌNH NHÂN LOẠI NGÀY NAY
Chiều kích giáo dân trong Gia đình Don Bosco
Trước hết, cha muốn lưu ý mọi người rằng Hoa Thiêng 2023 được nhắm đến hai nhóm đối tượng: người trẻ, là thanh thiếu niên ở bất cứ nơi nào Gia đình Don Bosco hiện diện trên thế giới. Đồng thời, Hoa Thiêng này cũng được gửi đến tất cả các nhóm của Gia đình Salêdiêng, những người được mời gọi khám phá hoặc tái khám phá chiều kích giáo dân của họ.
Tại sao lại có hai nhóm đối tượng khác nhau? Câu trả lời rất đơn giản. Trong ánh sáng của những gì đặc trưng nhất từ khoa sư phạm và linh đạo của chúng ta, mục đích của chúng ta là giúp đỡ các trẻ nhỏ, đặc biệt là thanh thiếu niên và giới trẻ khám phá ra rằng mỗi người đều có thể giống như nắm men mà Chúa Giêsu nói đến; giống như loại men tốt làm cho “bánh mì của gia đình nhân loại” dậy lên và trở nên thơm ngon hơn. Mỗi người trong số họ có thể là một tác nhân tích cực thực sự và có một sứ mệnh thực sự bên cạnh Chúa Giêsu, hoặc như một tín hữu tốt lành trong chính tôn giáo mà họ tuyên tín.
Đối với Gia đình Don Bosco, Hoa Thiêng này nhắm đến việc truyền tải một thông điệp rõ ràng và khơi dậy những suy tư hướng đến việc khám phá chiều kích giáo dân trong gia đình mà tất cả chúng ta đều tham gia, nơi mà phần lớn thành viên là các giáo dân, phụ nữ và nam giới từ mọi quốc gia, với bậc sống giáo dân và đời sống Kitô hữu mời gọi họ trở thành men đích thực cho nhân loại trong một thế giới đang rất cần điều này.
Với những thành viên được thánh hiến trong Gia Đình Salêdiêng, chúng ta cũng được mời gọi là “men trong bột bánh của nhân loại” và lãnh hội kinh nghiệm của việc để cho bản thân được trở nên phong phú nhờ chiều kích tin mừng mang tính trần thế của các anh chị em này. Nói tóm lại, chúng ta được kêu gọi với tư cách là một Gia đình để hoàn thiện lẫn nhau.
Và một lần nữa Ngài nói:
“Tôi nên so sánh Nước Thiên Chúa với điều gì?
Nó giống như men mà một người phụ nữ đã lấy và trộn với ba đấu bột
cho đến khi tất cả đều được dậy men” (Lc 13, 20-21)
Men hoạt động cách âm thầm. Việc dậy men diễn ra trong tĩnh lặng, giống như công việc của Nước Thiên Chúa hoạt động âm thầm từ bên trong.
Thật vậy, ai có thể nghe biết sự hoạt động của men trong bột mà nó đã được trộn lẫn khi bột đang dậy men? Điều này giúp cho chúng ta hiểu Nước Thiên Chúa hoạt động như thế nào. Tông Đồ Phaolô trình bày Nước Trời từ khía cạnh gần gũi nhất khi ngài nói: “Nước Thiên Chúa không phải là của ăn và đồ uống mà là sự công bình, bình an và hoan lạc trong Thần Khí” (Rm 14,17). Đây là hành động bên trong và vô hình của Chúa Thánh thần; là men được đặt trong trái tim. Và cũng giống như men trong bột có hoạt động tương tác diễn ra thông qua tiếp xúc, men của Tin Mừng cũng diễn ra như vậy.
Dụ ngôn về men trong bột, được chọn làm chủ đề cho Hoa Thiêng 2023, là một câu chuyện ngụ ngôn mạc khải về sự khôn ngoan vĩ đại mang tính Tin Mừng, tính sư phạm và giáo dục, thể hiện bản chất của Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã sống và giảng dạy.
Có nhiều cách giải thích thần học khác nhau về đoạn này. Sự lựa chọn của chúng ta cho Hoa Thiêng năm nay chính xác là trình bày nắm men trong bột như một hình ảnh về hiệu quả và sự phát triển của Nước Thiên Chúa trong trái tim con người, và điều này làm phát sinh sự phong phú của món quà sự sống cũng như mầm ơn gọi mà Thiên Chúa đã vun trồng nơi chúng ta, hướng dẫn sứ mệnh của người giáo dân và của toàn bộ Gia đình Don Bosco trên toàn thế giới.
“Một ít men làm cho cả khối bột dậy men” (Gal 5,9). Thật đáng ngạc nhiên khi một lượng nhỏ bột mì tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba kích thước sau khi có một lượng nhỏ men được thêm vào… Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Nước Trời cũng giống như men làm dậy khối bột khi làm bánh. Có một cái gì đó rất đặc biệt về men. Đó là khả năng ảnh hưởng “tích cực” lên một khối hỗn hợp.
Trong số các thành phần chúng ta sử dụng để làm bánh mì, men, như Chúa nhấn mạnh nơi dụ ngôn trong Tin Mừng, không phải là phần nhiều nhất xét về số lượng. Ngược lại, nó được sử dụng rất ít, nhưng điều làm cho nó nổi bật đó là nó là thành phần sống duy nhất, và vì nó sống nên nó có khả năng ảnh hưởng, điều hòa và biến đổi toàn bộ mẻ bột.
Từ đó, chúng ta có thể nói về Nước Thiên Chúa như thế này: “một thực tại nhân loại nhỏ bé và dường như không đáng kể. Để trở thành một phần của nó, người ta phải có một cõi lòng nghèo khó; không cậy dựa vào khả năng của mình, nhưng tin cậy vào quyền năng của tình yêu Thiên Chúa; không hành động để trở nên quan trọng trong mắt thế gian, nhưng quý giá trong mắt Thiên Chúa, Đấng thích sự giản dị và khiêm nhường… [Chắc chắn rồi] Nước Thiên Chúa đòi hỏi sự hợp tác của chúng ta, nhưng trên hết đó là sự chủ động và ân huệ khởi đầu của Thiên Chúa. Nỗ lực yếu kém của chúng ta xem ra nhỏ bé trước sự phức tạp của các vấn đề trong thế gian, nhưng khi được hòa nhập với nỗ lực của Thiên Chúa thì chúng ta không còn e sợ những khó khăn. Chiến thắng của Chúa là chắc chắn: tình yêu thương của Ngài sẽ làm cho mọi hạt giống của sự tốt lành hiện diện trên mặt đất nảy mầm và phát triển. Điều này mở ra cho chúng ta niềm tin và hy vọng, bất chấp những bi kịch, những bất công, những đau khổ chúng ta gặp phải. Hạt giống của sự tốt lành và hòa bình nảy mầm và phát triển, bởi vì tình yêu từ tâm của Thiên Chúa làm cho nó chín muồi” (x. Huấn từ Kinh truyền tin của Đức Giáo hoàng Phanxicô, Roma, ngày 14 tháng Sáu năm 2015).
1- Vương quốc của Thiên Chúa nảy mầm trong thế giới của chúng ta, giữa ánh sáng và bóng tối
Những người Pharisiêu đi ra ngoài và âm mưu chống lại Đức Giêsu, họ tìm cách để tiêu diệt Ngài. Đức Giêsu nhận ra điều ấy, ngài đã rời đi khỏi chỗ đó. Đám đông đi theo Ngài, và Ngài đã chữa khỏi bệnh tật nhiều người trong họ, Ngài ra lệnh cho họ không được nói cho ai biết về ngài. Điều này là để làm tròn lời của Ngôn sứ Isaia:
“Đây là Tôi tớ của ta, người mà ta đã chọn, người yêu dấu của ta, người mà ta rất hài lòng.
Ta sẽ đặt Thần Khí của ta trên người, và người sẽ tuyên bố công lý cho mọi dân nước.
Người sẽ không than vãn hay oán trách,
cũng không ai nghe thấy giọng nói của người trên đường phố.
Người sẽ không đánh gãy cây sậy dập nát hoặc dập tắt tim đèn còn khói cho đến khi người mang lại chiến thắng cho công lý.
Và nhân danh người, mọi dân nước sẽ có niềm hy vọng” (Mt 12, 14-21).
o Ở đây, chính Chúa Giêsu là người làm việc như men trong đám đông những con người bình thường nhất, trong số những người bệnh cần được chữa lành. “Và Ngài đã chữa khỏi tất cả họ”… đây là khuôn mặt ‘giáo dân’ của Chúa Giêsu giữa mọi người, “laos” – đám đông, người dân, nơi không có sự phân biệt giữa tầng lớp xã hội hoặc nguồn gốc. Tất cả họ dường như được liên kết bởi sự nghèo đói và bởi nhiều nhu cầu cần được giúp đỡ.
o Thực tại đáng tin cậy nhất về mặt lịch sử của cuộc đời Chúa Giêsu cũng là biểu tượng chi phối tất cả các bài giảng của Ngài, thực tại mang lại ý nghĩa cho tất cả các hoạt động cụ thể của Ngài, đó là ‘Nước Thiên Chúa’. Các sách Tin Mừng Nhất Lãm tóm lược việc dạy dỗ và rao giảng của Chúa Giêsu trong câu ngắn gọn này: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần; anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời kêu gọi này được tìm thấy 122 lần trong Tin Mừng và 90 lần trên môi của Chúa Giê-su. Do đó, rõ ràng là Chúa Giêsu đã rao giảng về Vương quốc của Thiên Chúa chứ không phải chính Ngài (K. Rahner).
o Lời tuyên bố về Nước Thiên Chúa không chỉ là chủ đề chính trong những rao giảng của Chúa Giê-su, trọng tâm của hầu hết các câu chuyện ngụ ngôn của Ngài và là chủ đề của một phần lớn các điều Ngài nói; mà Vương quốc ấy còn là nội dung của các hành động đặc trưng của Ngài, tạo thành một phần lớn tác vụ của Ngài, cụ thể là tình bạn của ngài với những người thu thuế và tội nhân – thậm chí qua việc ngồi cùng bàn với họ, việc chữa bệnh và việc ngài trừ quỷ… Thật vậy, trong sự hiệp thông của mình với những người bị thiệt thòi và lòng trắc ẩn đối với những người nghèo nhất, nhỏ bé nhất, bị loại trừ nhất, Chúa Giêsu đã sống Nước Trời một cách trọn vẹn, thể hiện tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với những kẻ bé mọn nhất.
o Ngày nay, chúng ta nhận ra rằng có rất nhiều điều tốt lành trong thế giới của chúng ta và trong Vương quốc của Thiên Chúa đang được xây dựng; chúng ta cũng nhận ra rằng có rất nhiều đau khổ trong thế giới: nỗi buồn và nỗi đau được tạo ra bởi cách sống và hành động của chúng ta nơi gia đình nhân loại. Do đó, chúng ta phải mở rộng con mắt và trái tim của mình trước ‘cách thức hành động’ của Thiên Chúa khi Ngài thiết lập Nước Trời theo một cách rất đặc biệt. Và theo cách thức đó – qua việc nhận thức về cách Thiên Chúa hiện diện và hành động – chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta không thể hành động cách khác, trừ khi chúng ta muốn Vương quốc “của Thiên Chúa” trở thành “của chúng ta”, không phải của Thiên Chúa nữa.
o Nổi bật ở đây là phong cách hiện diện của Nước Thiên Chúa được thể hiện trong Chúa Giêsu như Tin Mừng mô tả qua lời của Ngôn sứ Isaia: “Người sẽ không than vãn cũng không la lối, không ai nghe thấy giọng nói của người trên đường phố. Người sẽ không đánh gãy cây sậy dập nát hoặc dập tắt tim đèn còn khói cho đến khi người mang lại chiến thắng cho công lý. Và nhân danh người, dân ngoại sẽ có niềm hy vọng”. Và không chỉ Israel mà tất cả các quốc gia sẽ hy vọng… quy tụ con cái của Thiên Chúa đang bị phân tán lại với nhau. Sự rộng mở phổ quát đặc trưng của chúng ta trong vai trò một Gia đình Salêdiêng rất phù hợp với Tin Mừng về Nước Trời. Giáo hội được hình thành từ hơn 99% giáo dân… Hãy tưởng tượng tỷ lệ này sẽ lớn như thế nào nếu chúng ta đón nhận toàn thế giới: Tất cả giáo dân là bột và cũng là men của Vương quốc Nước Trời.
o Đôi khi sự đóng góp của con người hoặc những nỗ lực nhỏ bé của chúng ta xem ra không đáng kể, nhưng những điều đó luôn quan trọng trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta không được và không thể đo lường hiệu quả hoặc kết quả những nỗ lực của mình bằng cách đặt giá trị vào việc chúng ta đã đầu tư bao nhiêu, những nỗ lực chúng ta phải có thế nào, bởi vì lý do cuối cùng cho tất cả là Thiên Chúa; và đồng thời chúng ta cũng đừng để rơi vào mặc cảm tự ti hoặc có những biện minh sai lầm rằng sứ mệnh và việc xây dựng Vương quốc Nước Trời là bất khả thi, bởi vì chính điều đó sẽ ngăn chặn và làm tê liệt chúng ta.
o Hãy đặt mình dưới “đôi mắt” và trước “cõi lòng” của Thiên Chúa. Chúng ta không được nhầm lẫn giữa sự nhỏ bé, khiêm nhường với sự yếu đuối. Chúng ta có thể làm rất ít trong khi được đòi hỏi “rất nhiều”, tuy nhiên, điều nhỏ bé đó không bao giờ được xem là “không đủ” hoặc không có giá trị, bởi vì chính Thiên Chúa là Đấng ban cho nó sự tăng trưởng. Đó chính là sức mạnh của Thiên Chúa – Đấng trợ giúp chúng ta. Đó chính là Thiên Chúa – Đấng đồng hành cùng cam kết nỗ lực của chúng ta, một chút ít của men trong bột. Điều cần thiết là chúng ta làm tất cả những gì mình có thể và luôn luôn làm nhân danh Thiên Chúa.
2- Một gia đình nhân loại đang cần…
Trong thế giới này, mỗi cá nhân được kêu gọi khám phá ý nghĩa hiện hữu của mình, đó chính là sống một lối sống lành mạnh và huynh đệ trong Gia đình Nhân loại. Câu chuyện dụ ngôn về men trong bột đề xuất trong Hoa Thiêng năm 2023 dẫn chúng ta bước vào thế giới đầy thách thức qua sự chuyển động của thời gian và lịch sử loài người. Men được thêm vào bột cần thời gian riêng để dậy men.
Thời gian (để lên men) của Thiên Chúa, kairos, dạy chúng ta bước vào một chuyển động trong đó thời gian quan trọng hơn không gian, như Giáo hoàng Francis đã nói.[1] Đặc biệt, trong một thế giới nơi giao tiếp ảo và kỹ thuật số tạo ra môi trường sống của các mạng lưới liên kết, của sự hiện diện tức thời và tương tác, thì điều rất quan trọng là phải đào sâu ý nghĩa của thời gian trong cuộc sống của chúng ta, trong cách chúng ta giao tiếp, làm việc và ở bên mọi người.
Xây dựng gia đình nhân loại là trách nhiệm và bổn phận của tất cả chúng ta. Chúng ta nhận biết nhiều điều tốt lành quanh mình và cũng nhận ra bao nhiêu đau khổ mà chúng ta chưa thể vượt qua trong thế giới này. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thông điệp Fratelli tutti (FT), nhắc nhở chúng ta về điều này khi ngài nói rằng “mỗi thế hệ mới phải tiếp nhận những cuộc đấu tranh và thành tựu của các thế hệ trước, đồng thời đặt mục tiêu của mình cao hơn nữa. Đây là con đường. Lòng tốt, cùng với tình yêu, công lý và sự đoàn kết không đạt được một lần cho mãi mãi; chúng phải được thực hiện mỗi ngày. Không thể giải quyết cho những gì đã đạt được trong quá khứ và tự mãn tận hưởng nó, như thể bằng cách nào đó chúng ta có thể bỏ qua thực tế là nhiều anh chị em của chúng ta vẫn chịu đựng những tình huống kêu gọi sự chú ý của chúng ta”.[2]
Đây là lý do tại sao chúng ta nhận ra rằng gia đình nhân loại của chúng ta là một gia đình có rất nhiều nhu cầu:
- Cần công lý và phẩm giá cho những người nghèo khổ nhất và những người bị gạt sang bên lề xã hội (x. Fratelli Tutti (FT), 15-17; 18-21; 29-31; 69-71; 80-83; 124-127;234);
- Cần sự thật (x. Lumen Fidei, 23-25; FT 226-227);
- Cần hòa bình và tình huynh đệ (x. FT 88-111; FT 216-221; Christus Vivit 163-167);
- Cần Thiên Chúa (x. LF 50-51; LF 1-7; LF 35; LF 58-60);
- Cần được chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta (x. Laudato Si’);
- Cần …
Chúng ta không được để lại cho đến ngày mai những điều tốt đẹp mà chúng ta phải làm hôm nay! Với tư cách là Gia đình của Don Bosco, chúng ta được mời gọi trở thành men trong Gia đình Nhân loại. Được hướng dẫn bởi tầm nhìn này – về sức năng động Tin Mừng của men – chúng ta muốn đào sâu và nhận ra sự phong phú về chiều kích tâm linh, tôn giáo và Kitô giáo của ơn gọi giáo dân trong tất cả các hiện diện của chúng ta trên thế giới và ở những nơi mà người giáo dân là thành viên của Gia đình Don Bosco, đánh giá trong bối cảnh các nền văn hóa và xã hội khác nhau món quà cuộc sống và sức mạnh đức tin của họ, vẻ đẹp của gia đình họ, kinh nghiệm của họ về cuộc sống và công việc.
3- Người giáo dân: một kitô hữu “thánh hóa thế giới từ bên trong”
Một thói quen suy nghĩ làm cho chúng ta mắc sai lầm lớn là kiểu phân biệt sự thánh thiện hoàn toàn của đời tu và mức độ thánh thiện rất ít hoặc không có gì nơi ơn gọi giáo dân với đời sống cộng đồng. Sự tách biệt tiêu cực này đã kéo dài suốt dòng lịch sử.
- Từ thực tế rằng Thiên Chúa là Cha, theo đó tất cả chúng ta đều là anh chị em. Tình huynh đệ phổ quát này phát sinh lời kêu gọi đoàn kết, bác ái và hiệp thông.
- Từ mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa, một điều rõ ràng là bất kỳ thực tại tạm thời nào cũng có thể tỏ lộ Mầu nhiệm của Thiên Chúa.
- Từ việc nhìn nhận con người là Đền thờ của Chúa Thánh thần, theo đó con người là bối cảnh đủ điều kiện nhất cho cuộc gặp gỡ với sự thánh thiêng. “Ngươi không biết thân thể ngươi là đền thờ của Chúa Thánh thần bên trong ngươi, mà ngươi có từ Thiên Chúa, và ngươi không phải là của riêng ngươi sao?” (1 Cor 6,19), Kinh Thánh đã nói vậy.[3]
“Về mặt thần học, bản chất trần thế của toàn thể Giáo hội được hiểu từ ý nghĩa của mối quan hệ giữa giáo hội và thế giới, và từ chức vụ tư tế chung, chức vụ ngôn sứ và vương đế; mỗi người chịu phép Rửa là một thành viên của một Giáo Hội có bổn phận phải phục vụ thế giới này để làm cho ý muốn cứu độ của Thiên Chúa và vương quốc của Ngài hiện diện, ngay cả khi mỗi người tín hữu đó thực hành hoặc phát triển trần thế tính này (secularity) theo một cách riêng, để có một sự đa dạng về các sứ vụ và chức năng và, ở một mức độ nhất định, về ‘sự hiện diện và tình huống’ trong thế giới, lịch sử và xã hội”.[4] Và từ chính đời sống trần thế, trong nhiều trường hợp, qua ơn gọi cụ thể trong gia đình và công việc chuyên môn của mình trong thế giới mà người đời, đặc biệt là giáo dân Kitô giáo, giáo dân của gia đình Don Bosco, được mời gọi để thiết lập, thúc đẩy và duy trì các giá trị Tin mừng trong xã hội và lịch sử, nhờ đó góp phần vào việc consacratio mundi – thánh hiến thế gian – cho việc thiết lập Nước Thiên Chúa ở đây và bây giờ.
Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, dù ở mức độ nào đi nữa, nếu chúng ta làm cho mọi người tin rằng khi nói về trần thế tính (secolarity) như một đặc tính của Giáo hội, chúng ta chỉ đang đề cập riêng đến một phần các thành viên của Giáo hội đó là giáo dân, giống như thể các ơn gọi thánh hiến đặc biệt và những người đã nhận được sự thánh hiến qua tác vụ được sắc phong không có ‘chiều kích trần thế’. […] “Việc công nhận phẩm giá của họ (của giáo dân) làm rõ chức năng của họ trong Giáo hội và do đó cho thấy sự cần thiết của ơn gọi này đối với Giáo hội. Công đồng nhìn thấy sứ mệnh của giáo dân trong việc “quản lý các vấn đề vật chất và sắp xếp chúng theo ý Thiên Chúa” và “xây dựng việc thánh hóa thế giới từ bên trong”. Người giáo dân được kêu gọi “để làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động ở những nơi chốn và hoàn cảnh mà chỉ qua họ Giáo Hội mới có thể trở thành muối cho trần gian”. Trước mặt nhân loại, đó là một sự công nhận trọn vẹn về nhu cầu của Giáo Hội đối với các tín hữu giáo dân. Qua giáo dân, Giáo Hội đến với những nơi mà mình không thể đi đến.”[5]
Nếu chúng ta được báo tin rằng có ai đó đến nhà chúng ta, chúng ta sẽ đi ra và tìm gặp họ. Đây là thái độ cần có của người Kitô hữu, là những người biết Chúa Thánh Thần hằng liên lỉ đến viếng thăm nơi sâu thẳm tâm hồn mình. “Sống cho Thiên Chúa” nghĩa là có một thái độ tìm kiếm tất cả những gì giàu tính nhân văn. Vì rằng con người trọn hảo cũng là thần linh. Sống cho Thiên Chúa có nghĩa là trung thành với những khám phá; là lấp đầy thế giới với sự ngạc nhiên – “sự ngạc nhiên của Chúa”; là làm việc bằng cách lan tỏa ước muốn khôi phục lại những bất trật tự tạm thời do chính con người chúng ta thường xuyên gây ra bởi các hành động của mình.
4- Gia đình Don Bosco được mời gọi là men
Một sự kiện đặc biệt trong lịch sử của Salêdiêng soi sáng chúng ta: “Đó là ngày 24 tháng 6 năm 1855, tại Nguyện Xá có một lễ kỷ niệm kép với rất nhiều sự cổ vũ và chúc mừng… Toàn thành phố Torino tôn vinh và kỷ niệm lễ bổn mạng của thành phố – Thánh Gioan Baotixita, đó cũng là ngày bổn mạng của Gioan Bosco. Mọi người đều cố gắng thể hiện tình cảm với Don Bosco và ngài đã đáp lại bằng một tấm lòng rộng mở.
Vào tối ngày 23 tháng 6 năm 1855, ngài nói với các thanh thiếu niên của mình: “Ngày mai các con muốn tổ chức cho cha lễ kỷ niệm, cha cảm ơn các con. Về phần cha, cha muốn tặng các con món quà mà các con mong muốn nhất. Vì thế, mỗi người lấy một miếng giấy nhỏ và viết lên đó dòng ghi chú tên món quà mà mình muốn. Cha không giàu có, nhưng nếu các con không xin cha Cung điện Hoàng gia, cha sẽ làm mọi cách để đáp ứng các con”.
Khi Don Bosco đọc các mảnh giấy nhỏ, ngài bắt gặp một số yêu cầu nghiêm túc và một số yêu cầu hơi kỳ lạ. Một em xin “một trăm kilo kẹo torrone (nougat) để có thể ăn cả năm”, trong khi một em khác yêu cầu một con chó con để thay thế con chó mà em để lại ở nhà. Giovanni Roda, một người bạn của Đaminh Savio, đã xin Don Bosco “một cây kèn trumpet như kèn của người lính quân nhạc, bởi vì con muốn vào ban kèn”.
Thay vào đó, trên mảnh giấy của Đaminh Savio, Don Bosco chỉ tìm thấy mấy từ: “Xin giúp con trở thành vị thánh”.
Don Bosco gọi cậu bé và nói: “Khi mẹ con làm bánh, bà ấy sử dụng một công thức gồm các thành phần khác nhau cần trộn: đường, bột mì, trứng, men (bột nở) … Để trở thành một vị thánh, con cũng cần một công thức, và cha sẽ tặng cho con công thức ấy như một món quà. Nó được tạo thành từ ba thành phần mà con cần cần trộn với nhau.
- Thứ nhất: vui vẻ. Điều gì làm phiền muộn và lấy đi sự bình an của con thì không làm vui lòng Chúa. Hãy vứt bỏ nó đi.
- Thứ hai: chu toàn bổn phận học tập và cầu nguyện của con. Hãy chú tâm ở trường học, chuyên chăm học tập, sẵn lòng cầu nguyện khi con được mời gọi.
- Thứ ba: làm điều tốt cho người khác. Giúp đỡ bạn bè của con khi họ cần, ngay cả khi việc này gây cho con mệt nhọc và khó chịu. Công thức cho sự thánh thiện là tất cả ở đây.
Đaminh Savio đã nghĩ về điều đó. Hai “thành phần” đầu tiên của công thức mà Don Bosco nói dường như cậu đã có. Tuy nhiên, đối với cậu, việc ‘làm điều tốt cho người khác’ là một việc cậu phải làm thêm, phải suy nghĩ và sáng tạo hơn. Và kể từ ngày đó, cậu bé Saviô đã cố gắng làm việc ấy.
Giống như công thức làm bánh của mẹ bao gồm đường, bột mì, trứng và một ít men… Công thức cho sự thánh thiện mà Don Bosco đã cung cấp cho các con cái của mình, đặc biệt là cho Đaminh Savio (vào tối ngày 24 tháng 6 năm1855) bao gồm: Sống vui tươi, chu toàn bổn phận và làm điều tốt cho người khác. Đó là tất cả chương trình hoàn chỉnh để được làm men trong một không gian nhỏ – nơi mà Chúa đặt chúng ta vào đó.
Gia đình Don Bosco của chúng ta được sinh ra một cách đặc biệt như một cộng đoàn và là sự hiệp thông của những con người đến từ các nền tảng xã hội, trạng thái cuộc sống, hồ sơ cá nhân và nghề nghiệp khác nhau… nhưng được kết hợp bởi cùng một nhiệm vụ và được thúc đẩy bởi cùng một sứ mệnh mà Don Bosco đã lan truyền. Đây là nét bản chất của Nguyện Xá trong những năm thành lập, từ 1841 đến 1859: khoảng 18 năm! Bản Dự thảo đầu tiên của Hiến luật đã phản ánh mạnh mẽ sự hợp nhất này của Dân Thiên Chúa, sự hợp tác theo nhiều cách khác nhau để giúp những người trẻ đang gặp nguy hiểm trở nên “những Kitô hữu tốt và những công dân lương thiện”. Không thể phủ nhận rằng chúng ta được sinh ra ngay từ đầu như một tập hợp Dân Thiên Chúa: đó là bản chất của đặc sủng và sứ mệnh của chúng ta.
Cha nhận thức rõ ràng và cố gắng truyền đạt sự thật đặc biệt này cho toàn bộ Gia đình Salêdiêng, chúng ta được gọi là men đích thực trong thế giới ngày nay, trong gia đình nhân loại ngày nay: chỉ có cùng nhau, trong sự hiệp thông, chúng ta mới có thể làm điều gì đó có ý nghĩa cho thế giới hôm nay. Cha đã đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ đối với toàn bộ Tu Hội Salêdiêng về sứ mệnh chung của các Salêdiêng với giáo dân (một lời kêu gọi phục vụ cho toàn bộ Gia đình Don Bosco), bởi vì nếu không lắng nghe lời mời gọi này, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ bị đưa dẫn đến một tình huống nguy hiểm không thể quay đầu trở lại. Cha đã nói rằng “TTN24 của chúng ta chắc chắn là một đáp trả mang tính đặc sủng đối với tinh thần giáo hội hiệp thông theo Công đồng Vatican II. Chúng ta biết rõ rằng Don Bosco, ngay từ lúc khởi đầu sứ mệnh của mình tại Valdocco, đã mời gọi nhiều giáo dân, bạn bè và cộng tác viên theo cách mà họ có thể là một phần trong sứ mệnh phục vụ giới trẻ của ngài. Ngài đã ngay lập tức ‘thúc đẩy sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm của các giáo sĩ và giáo dân, nam giới và phụ nữ’.[6] Do đó, bất chấp sự phản đối của chúng ta, đây là một điểm không thể quay trở lại, bởi vì, ngoài chuyện tương ứng với hành động của Don Bosco đã thực hiện, mô hình của sứ mệnh được chia sẻ với giáo dân do TTN24 đề xuất trên đây thực tế là ‘mô hình duy nhất có thể thực hiện được trong điều kiện hiện tại’.[7]
Mục tiêu cuối cùng của sứ mệnh mà Don Bosco nhắm đến, cùng với việc cứu rỗi những người trẻ, là việc biến đổi xã hội. Khi viết điều này, cha cũng nghĩ về Hoa Thiêng năm 2020 (“Xin cho ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời” NHỮNG KITÔ HỮU TỐT VÀ CÔNG DÂN LƯƠNG THIỆN). Hệ thống Giáo dục Dự phòng không chỉ hướng tới việc giáo dục các cá nhân “làm cho người trẻ hạnh phúc bây giờ và vĩnh cửu”, nhưng còn nhằm ngăn chặn “một thành phần mỏng dòn nhưng đầy hứa hẹn của xã hội loài người” (x. HL, 1) bước vào vòng luẩn quẩn của các tệ nạn làm hủy hoại hiện tại và tương lai của Giáo hội cũng như của xã hội, trong khi người trẻ có thể là nguồn lực lớn nhất cho tương lai và cho sự tăng trưởng của nhân loại. Tầm nhìn rộng lớn và can đảm của Don Bosco, sự cần cù làm việc không mệt mỏi, sự kiên cường của ngài khi đối mặt với những trở ngại… chỉ có thể được giải thích bằng định hướng nhắm đến sự biến đổi xã hội và loan báo Tin Mừng cho những người trẻ trên phạm vi toàn cầu.
Cha tin rằng đó là một yếu tố quý giá nơi Don Bosco mà chúng ta không chỉ để ngưỡng mộ nhưng còn để nâng cao tiềm năng cho sự hiện diện rộng và sâu trong thế giới người trẻ mà chúng ta có được khi hoạt động CÙNG NHAU. Chúng ta thúc đẩy tất cả những người có cùng niềm tin vào người trẻ tìm thấy nơi họ một giải pháp, một câu trả lời cho hiện tại và tương lai của thế giới, thay vì chỉ đơn thuần nhìn thấy người trẻ là một vấn đề (và có lẽ vì thế sẽ sợ chúng).
Don Bosco không làm chính trị, nhưng ngài có thể nói chuyện với tất cả các đại diện của các cấp chính quyền khác nhau vì cam kết của ngài rất minh bạch hướng tới lợi ích của người trẻ, theo đó không một ai trong xã hội loài người đang muốn phục vụ người khác bằng cả trái tim, phục vụ công ích theo lý do căn bản của chính trị lại có thể không quan tâm. Tiếng nói chung của chúng ta có thể tìm thấy sự tiếp cận và khả năng được đón nhận vượt xa ranh giới của các tuyên bố bị đóng khung, nếu ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau thể hiện cùng một lòng nhiệt thành chăm sóc những người trẻ đã được trao ban cho chúng ta như một đặc sủng: đây là cách hiện diện của Giáo hội trên thế giới, ở vùng ngoại vi, rất phù hợp với Huấn quyền hiện tại của Giáo Hội (từ Gaudium et Spes đến Laudato Si’… và nhiều tài liệu Huấn quyền khác). Đó là cách để trở thành Giáo Hội mà chúng ta không thể làm khác được nếu không cùng nhau như là Gia Đình của Don Bosco.
Bản chất bổ sung của các ơn gọi trong Gia đình Don Bosco. Một điều đang ngày càng trở nên rõ ràng là nếu ai thực sự muốn tạo nên một tác động hiệu quả trên việc giáo dục cho người trẻ, thì sự cam kết dấn thân của riêng người đó và việc chia sẻ trách nhiệm chung nơi mỗi người là quan trọng và không thể thiếu. CÙNG NHAU như một Gia đình Salêdiêng, và luôn ở cùng với nhiều giáo dân khác nơi mình hiện diện trên khắp thế giới, trong sứ mệnh và việc đào luyện, đang trở thành một yêu cầu không thể thoái thác của sứ mệnh, nếu chúng ta không muốn tiếp tục ở lại trong sự mờ nhạt và vô nghĩa.
Hiệp thông trong tinh thần gia đình và phong trào Salêdiêng rộng lớn. Có những lĩnh vực mà tất cả chúng ta thực sự cùng hội cùng thuyền và cần được đào luyện, chẳng hạn những vấn đề về thế giới kỹ thuật số liên quan đến các thế hệ mới, hoặc những vấn đề rộng lớn không thể lảng tránh liên quan đến toàn bộ lĩnh vực sinh thái. Tất cả chúng ta đều có một cái gì đó để học hỏi: nếu việc này trở thành một con đường chung, thì trong khi học hỏi, chúng ta có thể trở nên tác nhân hiệu quả hơn và trung thành hơn trong cam kết dấn thân với thực tế đời sống. Các động lực được tạo ra trong quá trình học tập cũng thay đổi cách thực hiện sứ mệnh và đào luyện cùng nhau. Chính kiểu thức mới này trong việc thực thi sứ mệnh sẽ khiến chúng ta trở thành men mà Giáo hội, thế giới và người trẻ mong đợi từ chúng ta… Xem chừng chúng ta hiện chưa hiện diện ở đó, bột đã thay đổi… Một lần nữa chúng ta phải trở thành con người là men theo đúng như bản chất mà chúng ta được kêu gọi và chúng ta chỉ có thể làm điều đó cùng nhau. Rốt cuộc, đó là chuyển động giống như thời khởi đầu. Don Bosco không có tất cả các kỹ năng và kiến thức: những điều đó được hình thành khi ngài sống cùng mọi người. Thời bấy giờ, nếu không có những giáo dân như Mẹ Margarita và rất nhiều cộng sự viên khác, không có các thanh thiếu niên trong đó có Đaminh Savio, hoặc tên tuổi những người nổi tiếng khác, sẽ không có Don Bosco lẫn chúng ta, những người thực sự tiếp bước ngài về sau này.
5- Dưới bóng mát của một cây lớn với nhiều trái ngon
Trong bức thư cha viết khi kết thúc Hội thảo lần thứ hai nhằm thúc đẩy việc phong chân phước và phong thánh của Gia đình Salêdiêng, cha đã nói: “Từ Don Bosco cho đến thời đại này, chúng ta nhận ra một truyền thống thánh thiện mà chúng ta cần phải chú ý, vì đặc sủng có nguồn gốc từ Don Bosco đã tỏ lộ trong nhiều trạng thái và dưới nhiều hình thức khác nhau của cuộc sống, đó là một câu hỏi về những người nam và người nữ, những người trẻ tuổi và những vị cao niên, những người tận hiến và giáo dân, các giám mục và nhà truyền giáo, những người sống trong một số bối cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội nhất định, khác nhau về thời gian và không gian, đã làm cho ánh sáng đặc biệt của đặc sủng salêdiêng tỏa sáng, giới thiệu một di sản đang tiếp tục đóng một vai trò hiệu quả trong cuộc sống và trong những cộng đoàn của các tín hữu và của những người nam, người nữ thiện chí”. [8]
Với sự khiêm tốn và lòng biết ơn sâu sắc, chúng ta nhận ra trong Tu Hội và gia đình Salêdiêng một cây tuyệt vời với nhiều hoa trái thánh thiện. Những vị thánh này là những người trẻ tuổi, giáo dân, các vị tử đạo, những người đã lấp đầy cuộc sống của họ bằng men của tình yêu, tình yêu tự hiến trọn vẹn, trung thành với Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài.
- Một cây lớn với những trái ngọt thánh thiện tuyệt đẹp như (trong số những người khác): Ceferino Namuncurá và Laura Vicuna, Alberto Marvelli, Dominico Savio, Alessandrina da Costa, Attilio Giordani, các vị tử đạo trẻ của Poznam, Bashir từ Pakistan và Simao Boi- Bororo (Brazil), hoặc vị ân nhân Dorotea Chopitea.
- Không chỉ nói về hình bóng hiền dịu của Mẹ Margarita, chúng ta còn phải nói về sự thánh thiện rất gần gũi, sự thánh thiện của một người mẹ đã hun đúc trái tim đứa con trai yêu quý của mình là Gioan Bosco và là người đã đồng hành cùng sự ra đời của đặc sủng này, dẫu Mẹ không biết rõ nhưng theo một cách sống đơn giản là cho đi cuộc sống của mình và từ bỏ mọi sự mà Mẹ có vì điều đó.
- Chúng ta cũng không quên Sư huynh Artemide Zatti trong năm thầy được phong thánh. Thầy là một tu sĩ giáo dân sống đời thánh hiến, nhưng chúng ta đừng quên khía cạnh trần thế nơi sự thánh thiện của thầy, cụ thể là việc thực hiện lòng bác ái với sự đơn sơ trong một bệnh viện nhỏ nơi một ngôi làng quê. Thầy là một tấm gương và khuôn mẫu về sự dâng hiến cho dân chúng trong công việc hàng ngày của họ, lấy Chúa làm nguồn gốc, động lực của đức tin và mục tiêu của cuộc đời mình.
- Cuộc đời của các vị thánh khác, cuộc sống và gương sáng của tất cả họ giống như “men trong bột”.
6- Những người trẻ của chúng ta như men trong thế giới ngày nay
- Mọi hoạt động của con người khi tạo ra điều tốt cho xã hội hoặc cho cá nhân đều được
liên kết với sự can thiệp của Thiên Chúa trong thế giới và mời gọi sự hợp tác đầy yêu thương với sứ mệnh. Đặc biệt là trong bối cảnh salêdiêng, mọi thứ liên quan đến lợi ích của người trẻ và sự phát triển toàn diện của họ đều mang theo những hạt giống của Tin Mừng, ngay cả một ly nước mát được trao ban nhân danh Chúa Giêsu. Do đó, cần phải nhấn mạnh và thúc đẩy linh đạo trẻ này của phong trào salêdiêng, điều hoàn toàn tiếp chạm việc tông đồ và kinh nghiệm về đức tin trong tất cả những gì được hiện thực hóa theo tinh thần của Don Bosco, và tạo ra sự liên đới, đoàn kết, xây dựng sự hiệp thông và cộng đoàn, với những người trẻ đóng vai trò là những tác nhân tích cực và là đối tượng đón nhận sứ mệnh Salêdiêng trong thế giới hôm nay.
- Trở thành men trong thế giới ngày nay, một lần nữa là lời mời gọi nghiêm túc, phù hợp
với Hoa Thiêng 2020, về việc tham gia đời sống chính trị và việc đào luyện phù hợp với những gì mà việc ấy đòi hỏi, được nuôi dưỡng bởi truyền thống phong phú nơi Học thuyết Xã hội của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã nói “Chính trị là hình thức từ thiện cao nhất”. Thật không may, ở nhiều nơi trên thế giới, những gì chúng ta tìm thấy liên quan đến việc này chỉ là một khoảng trống giáo dục thô sơ… Khi nói về giáo dân như men trong bột, việc tham gia đời sống chính trị chắc chắn không thể bỏ qua. Chúng ta có những ví dụ tuyệt vời và gần gũi trong Gia đình Salêdiêng (như Alberto Marvelli, hoặc Giorgio La Pira, Julius Nyerere).
Hãy để cha kết luận bằng lời đảm bảo với mọi người rằng, với tư cách là Gia đình Salêdiêng, chúng ta muốn tiếp tục đi bên cạnh những người trẻ của chúng ta trên khắp thế giới, và đừng quên loại men đó là “Chúa Kitô đang sống! Ngài là hy vọng của chúng ta, và trong một cách thức tuyệt vời, Ngài mang tuổi trẻ đến cho thế giới của chúng ta, mọi thứ Ngài chạm vào đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Những lời đầu tiên mà Cha muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là: Đấng Kitô vẫn sống và Ngài muốn bạn sống!”. [9]
Đức Thánh Cha Phanxicô, người rất nhạy bén, chú ý đến hoàn cảnh của người trẻ và rộng mở với tầm nhìn về sự hợp tác của Gia đình Nhân loại trong việc xây dựng một xã hội nhân văn và huynh đệ hơn, mời gọi chúng ta “hình dung và tạo ra một thế giới mở” và thực hiện một lời yêu cầu mạnh mẽ rằng để đi tìm sự thật và hạnh phúc trong cuộc sống, con đường duy nhất là yêu người thân cận của mình và phục vụ người khác một cách cởi mở và quảng đại, vì rằng “trong sâu thẳm của mọi trái tim, tình yêu thương tạo ra mối liên kết và mở rộng sự tồn tại, lôi kéo mọi người ra khỏi bản thân và hướng họ về phía người khác”.[10] Với hy vọng và sự tin tưởng lớn lao, cha mời gọi tất cả Gia đình Don Bosco và đặc biệt là các thành viên giáo dân của gia đình này cùng nhiều người khác thuộc phong trào Salêdiêng rộng lớn, hãy đáp trả một cách sáng tạo, cộng tác cách cụ thể bao có thể lời đề nghị khiêm tốn này của Hoa Thiêng năm 2023, để chúng ta thực sự trở thành loại men giống như trong Tin Mừng mà Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta đã nhắn nhủ.
Cha Ángel Fernández Artime, SDB
Bề trên cả
Chuyển ngữ: Lê An Phong, SDB
____________________
[1] “Chúng ta đừng để mình bị cướp đi hy vọng, chúng ta đừng để bị cản trở bởi các giải pháp và đề xuất khẩn cấp tức khiến chúng ta dừng bước, làm vỡ vụn thời gian và biến nó thành không gian. Thời gian luôn lớn hơn không gian. Không gian kết tinh các quá trình, trong khi thời gian dự phóng hướng tới tương lai và thúc đẩy chúng ta bước đi với hy vọng” (Lumen Fdei, số 57).
[2] x. Fratelli tutti, số 8, 11
[3] CLARETIANOS, Ciudad Redonda, “Vivir para Dios: dimensión política de la Espiritualidad Laical” pdf.
[4] BERZOSA, R., “iUna teología y espiritualidad laical?” Revista Misión Abierta, (mercaba.org/fichas/laico).
[5] NICOLÁS NUNEZ, L.C., La vocación laical en la Iglesia. Una reflexión desde la perspectiva eclesiológica. Ecclesia, XXIX, n. 3-4, 2015 – p. 218.
[6] X. TTN 24, số 71
[7] X. TTN 24, số 39.
[8] RECTOR MAJOR, Concluding letter for the Second Seminar promoting the Causes of Beatification and Canonisation of the Salesian Family, Rome, April 2018.
[9] X. Christus vivit, số 1.
[10] X. Fratelli tutti, số 88.