(Suy tư về TTN 28 trong khoé nhìn của một Salêdiêng trẻ)
“Tôi tin chắc rằng tiếng ồn ào và tiếng hò la của các Nguyện xá sẽ là thứ âm nhạc hay nhất, hữu hiệu nhất để Thần Khí khởi hoạt lại hồng ân đặc sủng của Đấng sáng lập của anh em. Anh em đừng đóng cửa phòng trước tiếng ồn của nhạc nền này … Hãy để cho những tiếng ồn ấy đồng hành với anh em và giữ cho anh em không yên nghỉ và cho anh em được quả cảm trong phân định; anh em hãy để cho những giọng nói và những bài hát ấy, tới lượt chúng, khơi gợi lên nơi anh em những khuôn mặt của biết bao người trẻ khác nhau, mà vì nhiều lý do, đang giống như đoàn chiên không người chăn dắt. Sự ồn ào và không yên nghỉ này sẽ giữ cho anh em chú tâm và cảnh giác trước bất kỳ loại thuốc gây mê nào và sẽ giúp cho anh em trung thành cách sáng tạo với căn tính Salêdiêng của anh em”. (Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi các thành viên TTN 28)
Suy tư về diện mạo người Salêdiêng cho người trẻ hôm nay, hay nói đúng hơn là người Salêdiêng tự đào luyện mình thế nào cho phù hợp với những nhu cầu và đòi buộc chính đáng của người trẻ và xã hội hôm nay; đó là điều mà một người Salêdiêng (đặc biệt là Salêdiêng trẻ) cần lưu tâm.
1. Những tiếng ồn
Trở lại với những gợi ý của ĐTC gửi TTN 28, có lẽ là người Salêdiêng trẻ trong số những người trẻ, chúng ta đã quen với những tiếng ồn của nhiều khía cạnh trong cuộc sống ngày nay; có thể đó là ồn ào nới sân chơi, tiếng nhạc ồn ào nơi các vũ trường, tiếng xe cộ tấp nập, tiếng chợ búa ồn ào… Nhưng liệu rằng chúng ta đang lưu tâm đến điều gì trong những tiếng ồn ào ấy, để từ đó tìm được điều gì hữu ích cho cộc sống và sứ mệnh của chúng ta là người Salêdiêng.
Tiếng ồn ào nơi sân chơi. Đó là tiếng hò reo của những trò chơi hấp dẫn, với những Salêdiêng trẻ nhiệt tình và là linh hồn của cuộc chơi. Nhưng trong những tiếng ồn ấy, chúng ta cũng có thể bắt gặp những mảnh tối của một góc thinh lặng. Đó có thể là một hoàn cảnh đang bị bỏ rơi, bị cô đơn, không được quan tâm…; chúng ta có đủ tinh tế để nhận ra điều đó? Hoặc khi đã nhận ra nhu cầu cần được trợ giúp, chúng ta có đủ can đảm và bản lĩnh để đồng hành với họ, tìm ha hướng giải quyết tốt nhất không?
Từ kinh nghiệm thực tế, con nhận ra đôi lúc mình bị kéo vào cuộc chơi mà thiếu đi con mắt quan sát, dễ chìm đắm trong những tiếng ồn, dễ bỏ quên những bạn trẻ đang thực sự có nhu cầu cần được đồng hành, đang cần một ai đó để có thể lắng nghe và cảm thông với câu chuyện cá nhân. Hay đôi lúc, con nhận thấy mình chưa đủ kinh nghiệm và hành trang cũng như tâm lý để có thể đủ kiên nhẫn và lắng nghe để rồi thiếu đi sự đồng cảm; phải chăng đó là một lỗ hổng lớn của riêng con trong nghệ thuật đồng hành?
2. Đồng hành
Việc thiếu những kinh nghiệm thực tế đang là vấn đề (cho người Salêdiêng trẻ) trong việc đồng hành. Bởi lẽ, người trẻ hôm nay đang sống rất thực tế giữa một cuộc sống nhiều biến chuyển; từ kinh tế chính trị, văn hoá cho đến cả tình cảm. Nếu như chúng ta chỉ đóng kín cửa để ở trong khoảng không gian an toàn, thoải mái và đầy đủ tiện nghi nhất; chúng ta sẽ tìm đâu được kinh nghiệm thực tế, phải chăng chỉ từ sách vở, từ những câu chuyện kể lại, hay chỉ từ những trang mạng? Liệu rằng những kinh nghiệm mơ hồ ấy có đủ sứ thuyết phục các bạn trẻ đang cần được đồng hành; và quan trọng hơn nữa là có đủ để người trẻ tin chúng ta hay không?
Don Bosco đã trở nên như người cha, người thầy và cả người bạn để có thể lắng nghe cách tốt nhất, thấy hiểu cách cặn kẽ nhất và trợ giúp một cách kịp thời nhất. Chắc hẳn thời đại hôm nay đã thay đổi nhiều so với thời Don Bosco, nhưng tin chắc rằng, người trẻ vẫn cần đến tình yêu thương nơi những người Salêdiêng, đặc biệt các Salêdiêng trẻ cùng lứa tuổi với họ.
Có một điều chắc chắn rằng người trẻ hôm nay vẫn đang muốn các Salêdiêng yêu thương và hướng dẫn họ, nhưng là yêu thương và hướng dẫn họ trong chính hiện trạng của họ, chứ không phải một sự áp đặt, hay một cái khuôn có sẵn dùng chung cho mọi người. Đó phải là một tình yêu nhưng không như Chúa Giêsu đã yêu, đã gọi các môn đệ và chấp nhận các ông trong chính thời gian, không gian và con người nơi cuộc sống thường ngày mà các ông đang trải qua.
Để làm được như thế, người Salêdiêng (trẻ) đừng yêu với một tình yêu ép buộc, nhưng hãy làm mọi sự với tình yêu (Hoa thiêng 2022). Tình yêu ấy không ép buộc người trẻ phải nói những lời họ không thích, hay bắt họ làm những điều họ không mong muốn; nhưng là chấp nhận họ như họ là để tình yêu được khởi đi từ chính con người họ, để rồi từ đó chúng ta làm cho chính họ ngày một thăng tiến hơn trong cả đời sống vật chất và tinh thần. Muốn được như thế, chúng ta cần khiêm tốn hạ mình xuống để bước vào thế giới của người trẻ, lắng nghe người trẻ nói, kiên nhẫn trong những sự phức tạp của nội tâm họ, để thực sự kết thân và hiểu họ đang muốn gì và gặp khó khăn gì. Từ đó, chúng ta có thể hiểu một cách toàn diện, không chỉ là một thời gian ít ỏi nơi sân chơi nguyện xá, nhưng là còn kéo dài trong đời sống hằng ngày của họ để có thể đồng hành tốt hơn.
3. Cách thức
Từ việc đồng hành cách tích cực, chúng ta không nên biến người trẻ đang được Chúa gửi đến cho chúng ta thành những người giúp việc, thành người chỉ để sai vặt và thực hiện ý muốn của chúng ta. Nhưng là người Salêdiêng, chúng ta giáo dục người trẻ thành những người biết nắm bắt thực tại và đối diện với nó để biến đổi những vấn đề xấu trở nên tốt và biết cách làm chủ cuộc sống này. Hay nói đúng hơn, chúng ta (những người Salêdiêng) phải giúp người trẻ hôm nay thành những người biết sống bản lĩnh, tự lập và tích cực; vừa biết cảm thông với người khác, vừa biết làm chủ cuộc sống của mình.
Chúng ta hãy mở ra những cánh cửa của tình yêu, tha thứ và tin tưởng để người trẻ bước vào; nhưng với một nghệ thuật đồng hành cách tích cực chứ không phải sự ép buộc hay thái độ đùn đẩy. Như cha mẹ luôn thấy, tìm kiếm và muốn cho con cái mình những điều tốt nhất, (cũng không loại trừ những trường hợp ngoại lệ) người Salêdiêng cũng cần trở nên người thân tín như mối tương quan giữa cha mẹ và con cái, để mọi khoảng cách được rút ngắn nhất có thể.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng, tác động của Thần Khí là tối quan trọng, đây là điều mà từ kinh nghiệm cá nhân con thấy mình hay bỏ quên nhất, để rồi dẫn đến những thất bại không cần thiết. Thần Khí sẽ hướng dẫn để người Salêdiêng tìm ra phương cách hữu hiệu nhất mà đồng hành với người trẻ, đặc biệt Thần Khí khôn ngoan sẽ dạy chúng ta phải nói gì, làm gì để tốt nhất cho người trẻ hôm nay.
Bên cạnh đó, chúng ta phải loại bỏ đi những thứ bi quan để nhìn người trẻ với con mắt lạc quan. Nếu thiếu đi ánh mắt lạc quan, cũng kể như đôi mắt chẳng hề sáng, giống như Chúa Giêsu đã nói: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6, 39) Chúng ta cũng cần sống thái độ lạc quan, vui tươi để loại bỏ đi những thứ bị động, đặc biệt trong một xã hội có quá nhiều biến chuyển. Nếu chúng ta sống lạc quan, thì việc đồng hành với người trẻ cũng trong một tâm trạng lạc quan và tư thế sinh động. Điều ấy thật cần thiết khi chúng ta là những nhà giáo dục, phải nhìn nơi người trẻ với ánh mắt lạc quan và hy vọng, để rồi tìm kiếm và khơi ra những điều tốt đẹp nhất trong họ. Hoặc ít là chúng ta cũng có khả năng trình bày suy nghĩ, ước mơ và cả những trăn trở của người trẻ hiện đang có, để từ đó giúp họ thực hiện và thăng tiến những ước mơ và khao khát ấy.
Sau hết, chính chúng ta là những người Salêdiêng, là người thợ cần cù trong vườn nho của Chúa, chúng ta cũng theo chân Don Bosco đi trên giàn hoa hồng tuyệt đẹp những cũng đầy gai và máu, chúng ta cần kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra và phân định Thánh ý Chúa trong cuộc đời mình và cả trong những nhu cầu của người trẻ. Đời sống cầu nguyện còn giúp chúng ta vượt qua những giới hạn của bản thân, hun đúc lòng say mê Thiên Chúa và đam mê giới trẻ như Don Bosco, để có thể phục vụ Chúa cách tốt nhất nơi những người trẻ mà Chúa gửi đến cho chúng ta. Ngoài ra, khi có một đời sống thiêng liêng tốt, chúng ta có cách thế vững chắc để hướng dẫn đời sống đức tin cho người trẻ hôm nay, bởi lẽ người trẻ đang cảm thấy “sống chân thực quả là khó khắn, và đó là lý do tại sao chúng con lại thấy sợ hãi, mù mờ, nản lòng, cần được yêu thương. Sống đời đức tin đòi hỏi chúng con phải bước theo con đường của Tin mừng, nhưng văn hoá trần tục thách đố chúng con không dám sống khác đi”. (Lá thư của người trẻ gửi TTN 28)
Thực sự sẽ là khó khăn cho chúng ta (những người Salêdiêng trẻ) nếu chúng ta không biết ước mơ, như Don Bosco – vị thánh của những giấc mơ, chắc hẳn chúng ta sẽ khó khám phá hết những kế hoạch mà Thiên Chúa đã gửi gắm nơi bản thân chúng ta. Ước mơ không phải là hão huyền khi chúng ta biến ước mơ thành động lực, khi chúng ta nhận ra dấu chỉ thời đại nơi những giấc mơ ấy, để rồi chúng ta biến nó thành sự thật cách tốt đẹp. Khi chúng ta ước mơ cho người trẻ trở nên tốt, chắc hẳn Chúa sẽ cho chúng ta cách để giúp người trẻ trở nên tốt hơn.
Vậy mẫu người Salêdiêng nào cho giới trẻ hôm nay? Với con đó không phải chỉ là một câu hỏi, nhưng có thể đó là một lời cảnh tỉnh trước những “con tàu” đang lệch khỏi đường ray căn tính Salêdiêng; đó cũng có thể là một lời động viên cho những Salêdiêng đang cống hiến hết mình vì lý tưởng và sứ mệnh Đấng sáng lập để lại. Riêng cá nhân con, là một người Salêdiêng rất trẻ, đây ắt hẳn là một lý tưởng để con rập khuôn đời mình theo căn tính và đoàn sủng Đấng sáng lập; bên cạnh đó đây còn là một nhu cầu của người trẻ khi đến với người Salêdiêng, chúng ta phải như thế nào để ở trên Thiên Đàng cùng với người trẻ, chứ không phải ở trên Thiên Đàng một mình. Ngoài ra con nhận ra đây còn là hướng để tự đào luyện cho bản thân trong những năm đầu đời Salêdiêng còn nhiều thách đố và cam go, để biết học hỏi nhiều hơn, biết mở ra trước những dấu chỉ của thời đại, để đồng cảm và góp nhặt cho bản thân những hành trang quý báu cho đời sống theo Chúa và phục vụ anh em.
Lưu Hành, SDB
Nguồn: thegioisaledieng.net